[ read ] Điệp viên hoàn hảo | quá đủ sách về chiến tranh cho một năm

Diep vien hoan hao, pham xuan an, larry berman, chien tranh viet nam

Có hai chủ đề không bao giờ là chủ đề ưa thích của mình, một là chiến tranh và hai là bệnh tật. Hai đề tài này lúc nào cũng khốc liệt mà mình lại là đứa không giỏi chịu đựng và nhìn thẳng vào sự thật. Thế nhưng, hai đề tài này lại luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà văn, nhà làm phim, ta bắt gặp chúng ở khắp mọi nơi, mọi hình hài, trong những tác phẩm “không-thể-không-đọc”.

Nhân tiện vừa đọc xong cuốn “Điệp viên hoàn hảo: cuộc đời hai mặt không thể tin được của Phạm Xuân Ẩn, phóng viên tạp chí Time và điệp viên Cộng Sản Việt Nam”, mình điểm lại các tác phẩm đã hoặc định đọc trong năm nay có nói về chiến tranh. Thực sự là nhiều hơn mình nghĩ. Trong want-to-read list vẫn còn vài cuốn, có lẽ phải rất lâu sau, tầm gần gần cuối năm, mình mới sẽ đọc tiếp. Các sách trong list của mình toàn sách bối cảnh nước ngoài, nên mình cũng thấy đỡ tội lỗi phần nào khi đọc được cuốn Điệp viên hoàn hảo này về chiến tranh và con người Việt Nam.

Bài viết này bao gồm :

  1. Cảm nhận của mình về cuốn sách Điệp viên hoàn hảo của Larry Berman
  2. Những cuốn sách khác về chủ đề chiến tranh : Người đua diều, Hai số phận, Ánh sáng vô hình, Kẻ trộm sách, Tuổi thơ dữ dội

Điệp viên hoàn hảo

“Mọi thứ trên đời không phải lúc nào cũng rõ ràng như hai màu đen trắng” – đây có lẽ là tư tưởng nổi bật nhất xuyên suốt cuốn hồi ký về cuộc đời vị tướng tình báo huyền thoại Phạm Xuân Ẩn.

Ấn tượng của mình về bác Ẩn khá mơ hồ, nhưng là kiểu ấn tượng khó quên. Mình nhớ hình như là hồi mình học cấp một, một lần xem được chương trình về bác trên tivi, nội dung thế nào tất nhiên mình đã quên sạch, nhưng vẫn nhớ bác là một “ông già” gầy nhỏ nhưng cốt cách thông tuệ tinh anh. 

Chắc mình sẽ không bàn luận nhiều về nội dung cuốn sách, vì đọc xong nó tự dưng mình cảm thấy thật sự cần để ý đến những gì mình định phát ngôn đặc biệt có liên quan tới vấn đề chính trị. Vì tác giả là nhà sử học Mỹ, nên cách đề cập vấn đề của ông khá thẳng thắn, khách quan. Mình cũng thích tư tưởng của bác Ẩn, không phải cái gì cũng trắng đen rõ ràng, không có phe nào là xấu hay tốt, chỉ có một con người hết lòng vì công việc, hết lòng vì nền hoà bình của Tổ quốc, cũng như hết lòng vì bạn bè. Mỹ gây ra chiến tranh cho Việt Nam đương nhiên là chuyện không tốt đẹp gì, nhưng không thể vì thế mà đánh đồng tất cả người dân Mỹ là những kẻ tồi tệ và phủ nhận những tân tiến của Mỹ lúc bấy giờ. Bác Ẩn có lẽ là một trong số ít người (thực ra cũng dễ hiểu thôi, có ai mà khoan dung được với đất nước được coi như kẻ thù đã tàn phá nước mình chứ) đã hiểu thấu điều này. 

Sách cung cấp rất nhiều thông tin bổ ích và thú vị, giúp mình phần nào hệ thống lại lịch sử Việt Nam mà mình đã học từ hồi còn trên ghế nhà trường và đã quên mất vài phẩn, cũng giúp mình hiểu rõ hơn một số vấn đề và các mốc lịch sử, vì dụ như định nghĩa thế nào là “chiến tranh đặc biệt” hay “Việt Nam hoá chiến tranh”. Tuy nhiên, vì cuộc đời bác Ẩn vốn đã nhiều bí mật và có những điều bác mãi mãi không thể tiết lộ nên những chương sách nói về cuộc đời hai mặt của người điệp viên tài giỏi này vẫn chưa thực sự thoả mãn được mình, đọc xong cảm giác vẫn còn mơ hồ và nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ. Bên cạnh đó, giai đoạn này có quá nhiều mốc lịch sử và nhân vật đan chéo lên nhau, ngoài một số nhân vật chủ chốt mình đã biết, các nhà báo Mỹ mình không thể nhớ được tên hay phân biệt được ai với ai, các mốc thời gian cũng vậy. Mình thích câu chuyện về bác Ẩn thời gian còn học bên Mỹ (như bác cũng nói, đây là quãng thời gian đẹp nhất trong đời mình), và vô cùng tò mò về cuộc sống của bác sau ngày 30/4/1975 thì phần này đã được triển khai khá rõ ràng, thẳng thắn. 

Phần nào mình thấy buồn. Dù có lập bao công lao, được bao nhiêu huân chương, được cả nước ca tụng, ngưỡng mộ, coi như người hùng, thì sự thật vẫn là cuộc sống của bác Ẩn sau ngày thống nhất không hề dễ dàng gì, mà cuộc sống của bác trước đó cũng đã vốn khó khăn căng thẳng rồi. Cống hiến cả cuộc đời vì hoà bình của đất nước và hơn nữa nhờ tài năng và phần nào may mắn mà có thể “tồn tại được với tư cách là một điệp viên trong thời gian dài như vậy” chẳng lẽ cũng là một tội? “Liệu có khả năng ông đã hoạt động như một điệp viên hai mang, hoặc thậm chí ba mang?”. Thế mới nói, không có bên nào là đúng hay sai, chiến tranh mà… Có biết bao nhiêu người không riêng gì bác Ẩn đã hy sinh. Nghĩ đến cảnh những người lính Việt Nam cùng một dòng máu, một quốc tịch lại ở hai phe đối nghịch nhau, tiêu diệt lẫn nhau… 

Cũng may là bây giờ đã hoà bình rồi. Dù tất nhiên, như cuốn sách cũng nói, hoà bình không phải là tất cả. Hoà bình rồi cũng không được ngủ quên trên chiến thắng.

Mình không bao giờ đọc lại sách về chiến tranh

Thực ra trong năm 2021 mình mới đọc có hai cuốn sách nhắc đến chiến tranh là Người đua diều của Khaled Hosseini (bài review của mình : Người đua diều | biết ơn ngôi sao may mắn đã cho ta sống dưới bầu trời bình yên ) và Hai số phận của Jeffrey Archer (bài review). Một cuốn là về bối cảnh lịch sử Afghanistan và cuốn kia là về chiến tranh Ba Lan và chiến tranh thế giới (thứ mấy thì mình quên rồi).

Nguồn ảnh : Fahasa

Chiến tranh nhìn chung đều không thể tránh khỏi ám ảnh và nặng nề, sách về chiến tranh là thể loại mà mình sẽ không bao giờ đọc lại lần thứ hai dù có hay đến đâu. Nếu trong Hai số phận, chiến tranh giống như một lát cắt giữa vô vàn sự kiện trong cuộc đời Abel và Kane, đặc biệt Abel phải chịu ảnh hưởng nặng nề hơn về cả thể xác lẫn tinh thần, thì trong Người đua diều là cuộc nội chiến đã tàn phá đất nước Afghanistan. Thế nhưng trong Người đua diều, không hẳn là chiến tranh mà là các điều luật và hình phạt vô cùng cực đoan, sự tàn bạo của một số cá nhân cụ thể, nạn bạo hành trẻ mồ côi, được miêu tả và khiến mình ám ảnh. Trong Điệp viên hoàn hảo cũng vậy, trong bức tranh toàn cảnh và con người Phạm Xuân Ẩn và cuộc kháng chiến chống Mỹ, chỉ một vài dòng nhắc đến cảnh tra tấn những điệp viên bị bại lộ thôi cũng đủ đáng sợ rồi, vì mình biết trên thực tế còn có những cách thức bạo tàn hơn nhiều.

Sách trong reading list sắp tới của mình đáng ra có All the light we cannot see / Ánh sáng vô hình của Anthony Doerr và The book thief / kẻ trộm sách – Markus Zusak. Cuốn All the light we cannot see đoạt giải Pulitzer nổi tiếng và nhận được rất nhiều lời khen, còn lấy một nửa bối cảnh ở Pháp nữa, mình vốn định đọc để tham gia một cái book event nhưng tiếc là đọc thử một ít thấy không hợp nên đành thôi. The book thief cũng cực kỳ nổi tiếng, nội dung có vẻ độc đáo nên mình sẽ để trong list dành đọc thử sau.

Mình muốn nhân bài viết này nói về cuốn Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán, một cuốn sách đã lấy đi nước mắt không chỉ của mình mà còn của rất rất nhiều người (trong các post hỏi “Cuốn sách nào làm bạn khóc”, phần lớn comment chắc chắc luôn là Tuổi thơ dữ dội). Mình vẫn nhớ như in khi mình đọc cuốn này là tầm 30/4 – 1/5 năm 2012, năm mình học lớp 12. Năm đó nhà mình nghỉ lễ lên Cao Bằng chơi, tối đó trong khách sạn bố mẹ với nhỏ em đã ngủ rồi, mình cố thức đọc nốt truyện để rồi phải cắn chặt môi bụm chặt miệng khóc nức nở vì sợ làm bố mẹ tỉnh. Một cuốn sách quá hay mà lại quá đau lòng, cảm giác bất lực, đau xót khi đọc phần kết đến giờ gần 10 năm rồi mình vẫn chưa quên. Một cuốn sách mình nhiệt liệt đề cử bạn hãy đọc, dù chỉ một lần trong đời như mình, nhé.

One thought on “[ read ] Điệp viên hoàn hảo | quá đủ sách về chiến tranh cho một năm

Leave a comment

Discover more from travelling poisson

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading

Design a site like this with WordPress.com
Get started